#Dám bị ghét...
- chunggpt
- 10 thg 9, 2023
- 6 phút đọc
Tên: Dám bị ghét
Tác giả: Kishimi Ichiro, Koga Fumitake
Năm xuất bản: 01-2018
Số trang: 314 trang
Tóm tắt: Nội dung cuốn sách được thể hiện dưới dạng cuộc hội thoại giữa chàng thanh niên và vị triết gia tranh luận về những vấn đề của triết học Adler ( Adler là một bác sĩ, chuyên gia tâm thần học, người sáng lập ra trường phái tâm lý học cá nhân)

Những bài học cá nhân:
"Dám bị ghét" theo quan điểm cá nhân không có nghĩa là cứ sống bất chấp cho mỗi bản thân mình, không theo một khuôn phép hay quy chuẩn nào của xã hội, mà mặc kệ làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. "Dám bị ghét" không có nghĩa là cứ sống cho người ta ghét bỏ, mặc tự nhiên với những cái xấu, cái tham, cái ích kỷ, cái vô lý, cố chấp,… của chính mình, rồi ngụy biện cho bản thân mình là mình dám sống.
Dám bị ghét đơn giản là một khẩu hiệu sống nhưng bớt quan tâm đến cách nhìn từ người khác và bớt phụ thuộc vào cảm xúc của người khác dành cho mình, kể cả sự yêu ghét. Trên con đường đi tìm tự do và hạnh phúc cho chính mình, cuộc đời là của mình, còn cách nhìn nhận lại thuộc phạm trù cảm xúc của người khác.
Khi bản thân theo đuổi giá trị sống của chính mình, phù hợp với giá trị của xã hội hoặc nói đúng ra là bản thân mình là người có giá trị thì điều hiển nhiên sẽ có được nhiều hơn sự yêu thích của người khác. Đương nhiên, bất kỳ mọi chuyện ở trên đời, đều có "ngoại lệ", và câu chuyện ở đây là, đừng quá đặt nặng cảm xúc của mình vào phản ứng của người khác.
Nhóm tính cách của chúng ta được phân loại ra khá rõ từ người hướng nội và hướng ngoại:
Người hướng ngoại lấy năng lượng từ việc tương tác với thế giới bên ngoài, việc hấp thu năng lượng của người khác để có chuyển hóa năng lượng của chính mình, điều này sẽ trở nên vô cùng khó khăn nếu bản thân họ quá quan tâm đến cách nhìn từ người khác mà quên giá trị cốt lõi của chính họ, từ đó, bị ảnh hưởng bởi những năng lượng tiêu cực.
Nếu là người hướng nội, sự thật họ không lấy năng lượng từ việc tương tác, tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, nhưng bản thân họ đều là những con người thật sự rất nhạy cảm. Việc quan tâm đến một tiểu tiết đến cảm xúc tiêu cực của người khác cũng có thể làm họ suy nghĩ và suy nghĩ rất nhiều. Như vậy, càng không nên quá quan tâm đến cảm xúc của người khác.
Sau tất cả, dù hướng nội hay hướng ngoại hay tồn tại đồng thời cả hai, mục đích của chúng ta là “không bị tổn thương trong quan hệ với người khác”.
Thêm một ví dụ đơn giản cho việc không nên quá bận tâm cách nhìn của người khác. Ví dụ trong những phản ứng của số đông khi nhìn thấy một bài post trên facebook, có rất nhiều reaction được tương tác, có cả cảm xúc tích cực ( like, love, care ), có những cảm xúc trung lập như ( wow ), có những cảm xúc tiêu cực ( sad, angry ), có người react cho câu chuyện, có người react cho người viết,... thì câu chuyện ở đây là, những reaction mang tính tiêu cực là cảm xúc của họ, không nên quá quan tâm. Nhưng, nếu tất cả mọi người đều angry với câu chuyện của chính mình thì cần nên xem xét lại để suy xét bản thân.
Tức có 2 options, hoặc là dựa trên những react không hay đó để thay đổi để kiếm tìm một cái "tôi" tốt hơn, hoặc ignore nó.
Một số trích dẫn hay:
1, Con người không sống trong thế giới khách quan mà sống trong thế giới chủ quan do chính mình tạo ra.
Nó rất đúng, bởi: Thế giới bên ngoài bạn như thế nào, sẽ phản ánh đúng nội tâm và con người bạn như vậy. Chúng ta sống trong cùng một thế giới, nhưng "thế giới" của mỗi người lại là một thế giới khác nhau.
2, Bất hạnh lớn nhất của con người là không thể yêu nổi chính mình.
Thử đặt cho mình một câu hỏi, chúng ta có yêu chính mình hay không, thật hiếm hoi để nhận được câu trả lời là, "có".
3, Chẳng có lý do gì khiến mình không được sống cuộc đời theo ý thích của mình cả.
4, Cuộc đời kết thúc ở tuổi 20 cũng như cuộc đời kết thúc ở tuổi 90. Nếu sống ngay tại đây, vào lúc này thì đều là cuộc đời trọn vẹn, cuộc đời hạnh phúc.
5, "Nếu thực sự tự tin thì không cần phô trương. "
Chính vì lòng tự ti quá lớn nên mới phô trương, cố ý khoe mình tài giỏi, sợ rằng nếu không như thế, sẽ không được những người xung quanh công nhận "cái bản thân như thế này".
6, Nếu tôi thay đổi, thế giới sẽ thay đổi. Thế giới không phải là nơi ai đó thay đổi cho tôi mà chỉ có thể thay đổi do "tôi".
Từ "tôi" được đặt trong dấu ngoặc kép làm bản thân mình khựng lại, đúng, là chính bên trong bản thân mỗi con người.
7, Lời nói dối cuộc đời lớn nhất đó là không sống "ngay tại đây, vào lúc này".
Đúng, hầu hết chúng ta thiếu đi sự "chánh niệm" - sống ở giây phút hiện tại, "at the moment", mà thường bị ảnh hưởng bởi những ký ức trong quá khứ và những mơ mộng / mơ hồ về tương lai.
Rút ra bài học / giữ lại kỷ niệm đẹp trong quá khứ, sống cho hiện tại, nỗ lực cho tương lai, là tất cả những điều chúng ta nên làm.
8, "Ta phải phân biệt rõ thứ "có thể thay đổi" với "thứ không thể thay đổi"."
Một trong những ví dụ về "thứ không thể thay đổi", là cảm xúc của người khác dành cho mình, còn thứ "có thể thay đổi", là hành động của chính mình.
9, "Cậu không hiểu được cảm xúc của tôi đâu".
Đúng, nhân vật trong câu chuyện này, là người trải qua câu chuyện, vui buồn với sự kiện làm cậu ấy có nhiều cảm xúc phức tạp mà chỉ có mỗi cảm nhận được. Nếu có thể, đừng trách móc, hãy cảm thông và kiên nhẫn lắng nghe. Đôi khi người ta không thực sự cần những lời khuyên, người ta chỉ cần một người biết yên lặng lắng nghe.
10, "Không cần cạnh tranh với ai cả, chỉ cần không ngừng tiến lên là được. Tất nhiên cũng không cần so sánh mình với người khác"
Mình vẫn không hiểu tại sao có rất nhiều người rất hay so sánh bản thân mình với một người khác, điều này rất kỳ lạ. Vì mỗi người là một chủ thể rất khác nhau, từ khi sinh ra đã chẳng giống bất kỳ ai trên thế giới này. Chưa kể đến từng nơi chúng ta đi, từng việc chúng ta làm, từng người chúng ta gặp, từng thứ chúng ta ăn, từng thông tin chúng ta tiếp nhận được, từng nỗ lực chúng ta chọn,... mỗi ngày.
Nguồn gốc, xuất thân chúng ta không tự mình lựa chọn được.
Kết quả ở hiện tại là cả một quá trình, bao gồm rất nhiều nhân và quả.
Cuộc đời là của mình, cách nhìn là từ người khác.
Tại sao chúng ta còn làm một việc mà ngay cả bản thân mình không thích người khác làm với mình. Tại sao? ^^^
11, "Cậu cảm thấy cô độc không phải vì cậu chỉ có một mình. Cảm thấy mình bị tách biệt, xa lánh khỏi những người xung quanh, khỏi xã hội cộng đồng, đó mới là cô độc."
12, "Quá khứ không quyết định hiện tại."
Đúng.
13, "Những phiền muộn về cuộc đời đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người."
Đúng, nhưng thực tế, chúng ta không thể tồn tại một mình và không thể không tồn tại trong mối quan hệ giữa người với người.
Và việc quan trọng của mình là không để bị tổn thương trong các mối quan hệ đó.
Mỗi người đọc sách sẽ có một cảm nhận khác nhau, nhưng, với bản thân mình, một trong những điều tốt đẹp của cuốn sách này là: Ý thức được rằng, mục tiêu của cuộc đời này là có 2 mục tiêu lớn: Mình có năng lực và luôn coi mọi người là bạn. Để làm được vậy thì hãy phân chia nhiệm vụ của mình và phần hành của người khác, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và không can thiệp và nhiệm vụ của khác, kể cả cảm xúc của họ, đó là tất cả những gì mà chúng ta nên làm.
#Numbulwar, 10.09.2023
Comments